Hen suyễn là một bệnh khá phổ biến. Tìm hiểu triệu chứng của bệnh hen suyễn là một cách để chúng ta nhận biết bệnh và điều trị kịp thời. Hãy cùng tìm hiểu về bệnh qua bài viết này nhé.
Hen suyễn là bệnh gì?
Bệnh hen suyễn còn được gọi với tên hen phế quản (tên tiếng Anh là Asthma) là một bệnh hô hấp mãn tính. Khi lớp niêm mạc của ống phế quản bị viêm, dẫn đến sưng phù nề và co thắt dữ dội sẽ hình thành cơn hen. Không khí đi qua đường thở sẽ ít hơn và khó khăn hơn.
Hen suyễn bắt nguồn từ rất nhiều nguyên do, một trong số đó là di truyền. Bên cạnh đó cũng có rất nhiều nguyên nhân khác, bao gồm:
- Các bệnh nhiễm trùng hô hấp như viêm phổi, viêm phế quản, cảm cúm,… không được điều trị dứt điểm và kịp thời biến chứng thành hen suyễn
- Dị ứng thời tiết và các yếu tố bên ngoài như khói bụi, thuốc lá, phấn hoa, nấm mốc, hóa chất,…
- Không thích nghi được với thời tiết lạnh
- Trào ngược dạ dày thực quản cũng có nguy cơ dẫn đến hen phế quản
- Dị ứng thức ăn, đặc biệt là các thực phẩm chế biến sẵn chứa chất bảo quản sulfites và hải sản, dưa chua, rượu bia,…
- Người bị căng thẳng kéo dài hoặc tâm trạng thường xuyên thay đổi
Triệu chứng của bệnh hen suyễn
Triệu chứng của bệnh hen suyễn được xem là đa dạng và khá dễ nhầm với các bệnh hô hấp khác. Vì vậy để biết chính xác bạn có đang mắc hen phế quản không thì cần những xét nghiệm chuyên môn tại bệnh viện. Hãy đi khám ngay nếu thấy bản thân hoặc người thân có những triệu chứng sau đây:
- Ho, ho kéo dài không dứt, đặc biệt là ban đêm
- Khó thở, thở khò khè, khi thở phát ra tiếng rít từng cơn
- Đau tức ngực, cảm giác ngực bị đè nặng
- Thở nhanh và gấp. Nhất là những khi vận động mạnh
- Mặt nhợt nhạt, đổ mồ hôi, môi và đầu ngón tay tím tái vì thiếu oxy
Mỗi bệnh nhân sẽ có triệu chứng của bệnh hen suyễn khác nhau tùy cơ địa và mức độ bệnh. Có những người sẽ có toàn bộ triệu chứng. Tuy nhiên, có những người chỉ biểu hiện một số triệu chứng. Ở một số bệnh nhân, cơn hen rất dễ kích phát khi tiếp xúc với các tác nhân dị nguyên. Ở một số bệnh nhân khác lại chỉ lên cơn hen suyễn khi tập thể dục hoặc thời tiết trở lạnh.
Hen suyễn có lây không?
Sau khi biết được triệu chứng của bệnh hen suyễn, chúng ta sẽ tiếp tục tìm hiểu xem hen suyễn có lây không. Một thông tin đáng mừng là hen suyễn không lây. Vì bệnh này không phải bắt nguồn từ vi khuẩn hay virus. Tuy vậy, những bệnh dễ lây như cảm cúm, viêm phổi, viêm họng,… kéo dài vẫn có thể gây ra hen suyễn. Do đó, chúng ta không được chủ quan khi mắc các bệnh này.
Những người khỏe mạnh, nhất là trẻ em cũng nên hạn chế tiếp xúc với những ai đang mắc cảm cúm, viêm hô hấp,…
Hen suyễn có những biến chứng nghiêm trọng nào không?
Hen phế quản ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống hàng ngày của bệnh nhân. Chúng ta luôn phải cẩn thận, tránh tiếp xúc với các tác nhân gây bệnh từ môi trường ngoài. Các cơn ho thường xuất hiện vào ban đêm nên ảnh hưởng xấu đến chất lượng giấc ngủ, làm bệnh nhân luôn mệt mỏi. Người mắc hen suyễn cũng không được tự do hoạt động thể chất.
Ngoài những ảnh hưởng trên, hen phế quản còn gây ra những biến chứng khôn lường, chẳng hạn như:
- Chậm phát triển thể chất ở trẻ em
- Suy tim
- Suy hô hấp
- Khí phế thủng
- Xẹp phổi, tràn khí màng phổi
- Ngừng hô hấp dẫn đến tổn thương não
Phòng ngừa hen suyễn như thế nào?
Chúng ta khó có thể hoàn toàn tránh khỏi các nguyên nhân gây hen ở xung quanh. Nhưng cố gắng hạn chế tiếp xúc với các yếu tố ở mức thấp nhất cũng là một cách phòng bệnh hiệu quả. Hãy:
- Không hút thuốc lá và tránh xa nơi có khói thuốc
- Ăn uống lành mạnh. Tránh các loại thức ăn đóng hộp và các loại dễ gây dị ứng như trứng, đậu nành, dưa chua
- Kiêng rượu bia
- Tập thể dục ở cường độ vừa phải
- Không làm việc quá sức và nghỉ ngơi hợp lý
- Cố gắng duy trì sự lạc quan và tâm trạng ổn định
- Tiêm phòng cúm hàng năm
- Thường xuyên làm sạch nhà cửa, thay chăn màn. Không để nơi ở xuất hiện bụi hay nấm mốc
Làm sao để chữa trị hen suyễn hiệu quả?
Không thể tự điều trị hen suyễn tại nhà nếu bạn chưa đi thăm khám tại bệnh viện và được kê thuốc từ bác sĩ. Vì vậy khi nghi ngờ mắc bệnh do có các triệu chứng của bệnh hen suyễn, hãy đến bệnh viện một cách sớm nhất. Sau khi làm các xét nghiệm cần thiết và xác định bệnh, bạn sẽ được lên phác đồ điều trị phù hợp và cho thuốc. Lúc này những việc bạn cần làm là:
- Luôn mang thuốc theo bên mình và sử dụng thuốc đúng với hướng dẫn (gồm thuốc hít và thuốc uống)
- Tái khám theo lịch
- Tập các phương pháp thở
- Vận động hợp lý để cải thiện sức khỏe
Qua bài viết này, chúng ta đã biết được những triệu chứng của bệnh hen suyễn thường thấy. Hơn nữa, chúng tôi cũng đã cung cấp thêm thông tin về cách phòng ngừa và điều trị. Mong rằng những kiến thức này sẽ giúp bạn phần nào trong việc đối phó với hen suyễn. Tìm hiểu thêm về phương pháp trị hen suyễn Đông Y tại đây.